Luật sư bào chữa trong vụ án ‘Cướp tài sản’ tại Hà Nội | Công ty luật Dragon





Với tinh thần cải cách tư pháp thể hiện
trong Hiến pháp 2013, hoạt động của tòa án là trọng tâm của công tác tư
pháp. Tòa án Việt Nam là tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân
dân, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,
bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Trong
công tác xét xử phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, giảm mạnh các
bản án, quyết định của tòa án có sai sót do chủ quan, bảo đảm các phán
quyết của tòa án thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý,
đúng luật, cố gắng không được oan sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục các
vụ án kéo dài, quá thời hạn xét xử…”
Trong Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002
của Bộ chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp
trong thời gian tới” đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của Luật sư và
đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm hoạt động của Luật
sư trong tố tụng hình sự. Trong đó có nhiệm vụ: “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư bào chữa tranh luận dân chủ tại phiên tòa”.
Hoạt động bào chữa/bảo vệ của Luật sư sẽ diễn ra hiệu quả nếu nhận được
sự công tâm từ Hội đồng xét xử. Ở bài viết này, chúng tôi xin viện dẫn
một vụ án mà Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon
đã nhận được sự công tâm từ phía Hội đồng xét xử và đặc biệt là Thẩm phán Hoàng Nhật Tân – Chủ tọa phiên tòa, đó là vụ án: “Ngô Đặng Khánh phạm tội Cướp tài sản”
xảy ra vào ngày 17/03/2010. Luật sư Hà Nội – Nguyễn Minh Long tham gia
bào chữa cho bị cáo Ngô Đặng Khánh ở phiên toà phúc thẩm diễn ra vào
ngày 10/9/2015.
Ngô Đặng Khánh bị khởi tố về tội “Cướp
tài sản” theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 280 ngày 26/5/2010
và Quyết định khởi tố bị can số: 409 ngày 04/10/2012 của cơ quan CSĐT
Công an quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội. Nội dung vụ án như sau:
“Khoảng 15h ngày 17/03/2010, Ngô Thị
Tĩnh (Sinh năm: 1975, trú tại: thôn Thượng – Trịnh Xá – Bình Lục – Hà
Nam) rủ Ngô Đặng Khánh (Sinh năm 1959, trú tại: phường Tân Bình – Tp.
Hồ Chí Minh) đi tìm Trần Thị Ngọc Hồng (Sinh năm: 1989, trú tại: Thanh
Ba – Phú Thọ) để đòi 3.000.000 đồng mà chị Hồng đã vay của chị Tĩnh.
Anh Khánh đi xe máy Wave chở chị Tĩnh đến đường Tăng Bạt Hổ, Hai Bà
Trưng, Hà Nội thì gặp chị Hồng đi bộ từ quán bia Hoa Viên đến trước cửa
Cung văn hóa Thanh Niên. Anh Khánh và chị Tĩnh điều khiển xe máy ép
chị Hồng lại. Anh Khánh giật túi xách đựng quần áo của chị Hồng còn
Tĩnh giật túi – bên trong có 2.718.000 đồng và 01 điện thoại di động
nhãn hiệu Sam Sung, 01 điện thoại di động nhãn hiệu Trung Quốc. Chị
Tĩnh tiếp tục thò tay vào túi quần chị Hồng lấy 01 điện thoại di động
nhãn hiệu Sam Sung và ép chị Hồng lên xe máy.
Anh Khánh điều khiển xe máy chở chị
Hồng ngồi giữa còn chị Tĩnh ngồi sau. Trên đường đi, anh Khánh và chị
Tĩnh đe dọa bắt chị Hồng phải trả  3.000.000 đồng nếu không sẽ cho chị
Hồng vào nhà thổ. Anh Khánh và chị Tĩnh đưa chị Hồng đến Minh Khai,
Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội, tại đây chị Tĩnh dùng tay tát vào mặt
chị Hồng và bắt chị Hồng ngồi xuống đất. Chị Tĩnh yêu cầu chị Hồng trả
tiền, đồng thời tay phải chị Tĩnh cầm kéo (loại kéo trang điểm chị Tĩnh
hay mang theo người, tay trái chị Tĩnh túm tóc chị Hồng dọa cắt tóc
nhưng mọi người can ngăn  nên chị Tĩnh không cắt tóc chị Hồng. Sau đó,
anh Khánh và chị Tĩnh bỏ đi mang theo số tài sản trên của chị Hồng.
Tổng giá trị tài sản của chị Hồng bị chị Tĩnh và anh Khánh chiếm đoạt
là: 2.818.000 đồng”.
Ngày 9/10/2011,
Cơ quan CSĐT – Công an quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội ra Bản kết
luận Điều tra vụ án chuyển Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đề
nghị truy tố Ngô Thị Tĩnh về tội Cướp tài sản và ra Quyết định tách tài
liệu liên quan đến hành vi Cướp tài sản của Ngô Đặng Khánh để xác minh
làm rõ, xử lý sau.Ngày 21/11/2012, TAND quận Hai Bà Trưng xử Ngô Thị Tĩnh 36 tháng tù giam về tội Cướp tài sản.
Ngày 08 /12/2014,
Cơ quan CSĐT – Công an quận Hai Bà Trưng để nghị Viện kiểm sát nhân dân
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội truy tố Ngô Đặng Khánh về tội “Cướp tài
sản” theo khoản 1 Điều 133 – Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, ngày ngày 09/01/2015, VKSND quận Hai Bà Trưng truy tố ra trước Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội để xét xử anh Ngô Đặng Khánh về tội Cướp tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Hình sự (hình phạt nặng hơn so với khoản 1)”.
Điểm đáng chú ý ở vụ án này đó là: cả
hai bị cáo Ngô Đặng Khánh và Ngô Thị Tĩnh vì thiếu hiểu biết về pháp
luật mà phạm tội, hành động thái quá của cá nhân chị Tĩnh mà vô tình
làm cho hành vi của chị Tĩnh từ một quan hệ dân sự (đòi nợ) chuyển hóa
thành một quan hệ hình sự (cướp tài sản). Xét về vai trò của anh Khánh
trong vụ án này thì chỉ là đồng phạm – giúp sức cho chị Tĩnh thực hiện
hành vi phạm tội. Nhưng cáo trạng đã cho rằng anh Tĩnh giữ vai trò chủ
chốt trong việc thực hiện tội phạm. Chị Tĩnh bị kết án 36 tháng tù
giam, tại phiên tòa sơ thẩm anh Khánh bị kết án: 7 năm 6 tháng tù giam
(hình phạt cao hơn so với chị Tĩnh) – Viện kiểm sát và HĐXX cấp sơ thẩm
chưa  xét đến các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Khánh.
Sau khi có bản án sơ thẩm, vì thấy bị
cáo Khánh bị kết án quá nặng nên gia đình đã đến nhờ sự trợ giúp của
Luật sư. Vi hoàn cảnh gia đình anh Khánh khó khăn nên Công ty Luật
Dragon đã nhận bào chữa miễn phí cho anh Khánh. Tại phiên tòa phúc thẩm
cấp cao tại Hà Nội, Luật sư Nguyễn Minh Long đã có ý kiến bào chữa như sau:
Thứ nhất, cả
bản Kết luận điều tra và Cáo trạng đều nêu: mục đích chị Tĩnh rủ anh
Khánh là để đòi nợ chị Hồng, lấy số đông, có người ép chị Hồng. Tại Tăng
Bạt Hổ chị Tĩnh là người đã ép chị Hồng lên xe, giật túi xách của chị
Hồng đưa cho anh Khánh treo vào móc đèo hàng giữa xe máy. Tại Minh
Khai, chị Tĩnh dùng tay tát vào mặt chị Hồng, dùng kéo (loại kéo trang
điểm của Tĩnh để trong túi áo) và chị Tĩnh dùng tay phải túm tóc, tay
trái cầm kéo dọa cắt tóc chị Hồng, bắt chị Hồng sau ba ngày phải trả
tiền cho chị Tĩnh. Khi đó anh Khánh đứng ngoài gọi điện mặc cho chị Tĩnh đánh chị Hồng.
Tại bút lục số 66, chị Tĩnh khai: “Khánh chỉ đi cùng tôi cho có người ủng hộ chứ Khánh không nói hay làm gì để ép Hồng”. Tại bút lục số 85, người làm chứng Nguyễn Thị Bạch Yến khai: “Tôi
thấy người phụ nữ lớn tuổi đánh, túm tóc cháu bé, trên tay còn cầm
kéo, dọa cắt tóc cháu bé, còn người thanh niên đứng ở gần xe. Lúc đó có
mấy người qua lại hỏi nên hai người đó bỏ đi”.
Tại bút lục số 87, người làm chứng Nguyễn Việt Hà khai: “Khoảng
16h00 ngày 17/03/2010, tôi đang đứng trước cửa nhà thì nghe có tiếng
ầm ầm cãi chửi nhau tại ngách 622/107 Minh Khai thì tôi nhìn ra thấy có
hai người phụ nữ đang cãi chửi nhau và một người đàn ông đứng cạnh một
chiếc xe máy”.
Tại bút lục số 91, người làm chứng Nguyễn Thị Hạnh khai: “Tôi
thấy có hai người phụ nữ đang có cử chỉ dùng tay chỉ vào mặt nhau. Còn
cạnh đó có người đàn ông, người đàn ông không chửi bới gì”.
Như
vậy, anh Khánh hoàn toàn không có hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ
lực đối với chị Hồng. Trong vụ án này, vai trò của anh Khánh chỉ có
thể là đồng phạm – giúp sức cho chị Tĩnh thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ hai, Viện
kiểm sát truy tố anh Khánh theo điểm d khoản 2 Điều 133 là quá nặng và
không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Điểm d khoản 2, Điều
133 quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì
bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
…d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;…”
Tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần I Nghị quyết số
02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, quy
định:
2.2. “Phương tiện nguy hiểm”
là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con
người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế
tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự
nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ
hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc
sức khỏe của người bị tấn công.
  1. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
  2. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
  3. Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”
“Phương tiện phạm tội” trong vụ án này
là: loại kéo trang điểm có tay cầm dài 7cm, mũi kéo dài 5cm, Tĩnh
thường mang theo trong người. Như vậy, loại kéo này gây sát thương cho
người khác ở mức độ rất thấp, không thể cho rằng đây là phương tiện
nguy hiểm để làm căn cứ định khung tăng nặng cho bị cáo. Trong vụ án
này các bị cáo chỉ phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 133 (như Cơ
quan điều tra đã khởi tố).
Thứ ba, bị
cáo Khánh có các tình tiết giảm nhẹ đó là: đã tự nguyện nhờ gia đình
giúp bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cho người bị hại số tiền là 4
triệu đồng, chị Hồng đã nhận đủ và không có khiếu nại, tố cáo. Đồng
thời trong Đơn đề nghị gửi Tòa án, chị Hồng đã xin giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự cho bị cáo Khánh. Hiện nay bị cáo Khánh có hoàn cảnh gia đình
rất khó khăn, bố mẹ đã mất. Bị cáo Khánh có bố là ông Ngô Đăng Khanh
sinh năm 1918 – quê quán tại 54B Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội, là cán bộ Cục
quản lý sản xuất vật liệu xây dựng đã về hưu năm 1971 đã được Ban chấp
hành Trung ương Ban Cán sự Đảng xây dựng có quyết định số 13 và
14/BXD-TCLĐ ngày 9/5/1993 công nhận đồng chí Ngô Đăng Khanh (tức Đặng
Tư) là cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945, có thời gian hoạt động
từ năm 1941 đến tháng 8/1945 và được hưởng thâm niên 4 năm.
Từ những căn cứ nêu trên – xét về tính
chất, mức độ của hành vi, vai trò đồng phạm thứ yếu và căn cứ điểm
b,p,g khoản 1, khoản 2 Điều 46 đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 để đưa ra
một hình phạt công bằng nhất cho bị cáo Khánh.
HĐXX phúc thẩm cấp cao tại Hà Nội nhận
định: “Bị cáo Khánh phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức so với mức
độ tính chất phạm tội của Ngô Thị Tĩnh đã bị xét xử trước. Mức hình
phạt áp dụng đối với Tĩnh là nhẹ so với tính chất và mức độ phạm tội.
Mức hình phạt áp dụng đối với Khánh là nặng so với mức độ phạm tội. Bị
cáo Khánh có tình tiết giảm nhẹ mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét là:
Thành khẩn khai báo, gây thiệt hại không lớn, bố đẻ có công với đất
nước. Với bị cáo Khánh có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất
của khung hình phạt quy định. Do vậy chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị
cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ một phần hình phạt đối với
bị cáo. Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội quyết định: Xử phạt Ngô Đặng Khánh:
năm năm tù về tội “Cướp tài sản”.
Trong vụ án này, nhờ có sự giúp đỡ của
Luật sư và đặc biệt là sự công tâm của HĐXX Chủ tọa đã nhường lại phần
tranh luận giữa luật sư và Kiểm sát viên, xác định rõ bản chất của vụ
án, những lời luận tội của kiểm sát viên, lời bào chữa của luật sư. Sau
quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử bằng phán
quyết độc lập, khách quan toàn diện với quyết định của mình chấp thuận
những căn cứ của luật sư.
Vụ án kết thúc nhưng cũng là một bài
học cho mỗi người chúng ta, cần phải tự trau dồi những kiến thức pháp
luật sơ đẳng cho bản thân. Để tránh những trường hợp mình phạm tội mà
không hiểu lý do vì sao, dấu hiệu về tội phạm được quy định trong bộ
luật hình sự làn ranh giới với thực tiễn cuộc sống và sự hiểu biết về
pháp luật,  để tránh những sự việc nêu trên đáng tiếc xảy ra.
Văn phòng Luật sư Dragon


 Luật sư bào chữa trong vụ án ‘Cướp tài sản’ tại Hà Nội | Công ty luật Dragon

Nhận xét

Bài đăng phổ biến