Thấy gì qua những vụ án oan? | Công ty luật Dragon

Thấy gì qua những vụ án oan? | Công ty luật Dragon
Thấy gì qua những vụ án oan?
Năm 2014 là năm dư luận rất quan tâm đến các vụ án oan. Nhất là sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được trả tự do sau 10 năm bị tù oan, thì không chỉ có dư luận, mà trong nghị trường Quốc hội cũng nóng, đề nghị phải có biện pháp để khắc phục tình trạng oan sai. Cuối cùng, Quốc hội đã phải ra Nghị quyết giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật (Nghị quyết số 74/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015) và thành lập Đoàn giám sát 11 địa phương (Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).
Oan, sai là thực tế được dư luận xã hội, cử tri, đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Chương trình cải cách tư pháp đặt ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh, dân chủ. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 xác định nguyên tắc cơ bản là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề ra các nguyên tắc rất dân chủ, tiến bộ đối với cơ quan tư pháp như: nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo, đương sự, nguyên tắc tôn trọng tính mạng con người, quyền được sống của công dân.
Có thể nói, sau “trận” mở màn cho chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 về tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu vào những ngày cuối năm 2014, ở nhiều địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đồng loạt ra quân thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng. Tuy hoạt động này mới chỉ thực hiện ở một số địa phương nhưng đã cho thấy, số vụ án oan sai đang là vấn đề nhức nhối, đáng báo động.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, khi nghe báo cáo đã có nhiều vụ án oan sai gây bức xúc dư luận, lãnh đạo Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quả quyết rằng, từ năm 2011 đến nay, ngành toà án thành phố không kết tội oan trường hợp nào. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo này cần phải kiểm chứng! Trong khi đó, tháng 12/2011, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên ông Nguyễn Bá Hùng không phạm tội thì tháng 3/2012, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh huỷ án để điều tra lại; sau đó vụ án được cơ quan điều tra đình chỉ? Chưa kể còn nhiều vụ khác chưa được phanh phui! Nếu kiểm tra chắc hẳn không phải như thế. Đối với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng có tình trạng tương tự, như trường hợp của ông Trương Bá Nhàn bị oan 8 năm vẫn chưa được bồi thường; trường hợp này không được đưa vào báo cáo, chỉ đến khi bị chất vấn thì lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố mới nhận khuyết điểm. Đối với cơ quan điều tra, số vụ án được đình chỉ do “chuyển biến của tình hình” cũng tương đối nhiều, tuy nhiên, nhiều thành viên của Đoàn giám sát cho rằng: tình hình có gì chuyển biến đâu? Chẳng qua chỉ là cách để “né bồi thường oan” mà thôi! Đó mới là báo cáo của ba ngành tố tụng, còn theo báo cáo của Đoàn luật sư thành phố thì nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai nhưng chưa được xem xét một cách thấu đáo, trong đó có vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, Cơ quan điều tra thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận, Viện kiểm sát đã ra cáo trạng, truy tố ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 Bộ luật hình sự. Vụ án này nhiều báo chí đã đưa tin, Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hình sự đều cho rằng, việc khởi tố, bắt giam ông Đảo và ông Quyết là sai, chưa kể cơ quan điều tra và viện kiểm sát còn vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân các ông, mà còn gây thiệt hại cho Công ty của ông Đảo và ông Quyết, nhà máy bị đóng cửa, hàng trăm công nhân mất việc làm…
Ở tỉnh Bình Phước cũng có tình trạng tương tự, nhưng có điều không bình thường ở chỗ, từ năm 2011 đến nay đã có 5 trường hợp toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội, nhưng toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc huỷ án sơ thẩm để điều tra, sau đó cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát phải ra quyết định đình chỉ nhưng chỉ có một trường hợp người bị oan yêu cầu bồi thường? Cơ quan điều tra làm oan 15 người cũng chỉ có hai người yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, ba năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tiếp nhận 14 đơn đề nghị bồi thường oan, đã giải quyết xong 13 đơn với tổng số tiền bồi thường là hơn 1,3 tỷ đồng. Không biết ở Bình Phước, cơ quan điều tra và toà án có cách vận động như thế nào mà người bị oan không yêu cầu bồi thường; chưa có cán bộ nào làm oan người vô tội bị buộc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền bồi thường oan theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng là một chuyện lạ. Ngoài báo cáo của ba ngành tố tụng, theo Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước thì những vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc áp dụng pháp luật chưa đúng, bị kéo dài cũng không phải là ít như trường hợp anh Hoàng Trọng Nghĩa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông làm một người chết hồi tháng 9/2002. Trong 12 năm qua, anh Nghĩa đã ba lần được toà án nhân dân huyện Đồng Phú tuyên vô tội nhưng sau đó Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị theo hướng có tội dù không chứng minh được hành vi phạm tội, rồi toà phúc thẩm huỷ án. Cả hai cấp toà sơ, phúc thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ vụ án để điều tra lại nhưng vẫn chưa được Cơ quan điều tra làm rõ; ngày 22/9/2014, Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước lại huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Còn đối với vụ bà Tiêu Thị Sự bị khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản; bà Sự kêu oan ngay từ lúc bị bắt giam nhưng Toà án nhân dân huyện Bù Đăng vẫn phạt bà 10 tháng tù; bà Sự kháng cáo kêu oan. Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước đã huỷ phần án sơ thẩm liên quan đến bà; xử sơ thẩm lần hai, Toà án nhân dân huyện Bù Đăng tiếp tục phạt bà 10 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bà Sự lại kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm lần hai, Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước lại huỷ toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Đến nay, Cơ quan điều tra vẫn chưa có động thái gì. Đặc biệt là vụ Lê Bá Mai (vụ án Vườn Mít) đã qua 5 lần xét xử nhưng dư luận vẫn không đồng tình với két luận của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia pháp luật, có cả các vị nguyên là lãnh đạo của các Uỷ ban của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao cũng cho rằng cần phải xem xét lại vụ án này, Đoàn giám sát đã gặp trực tiếp Lê Bá Mai. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên Trưởng đoàn giám sát hứa sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương, tham khảo ý kiến các chuyên gia để có những kiến nghị và kết luận chính thức.
Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết tính từ cuối năm 2011 đến tháng 9/2014 đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can. Nguyên nhân của tình trạng này là do điều tra viên tuy có trình độ nhưng năng lực không đồng đều, một số mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, nóng vội, chủ quan. Nhưng, theo đánh giá của các thành viên trong Đoàn giám sát thì lý do đưa ra là không thuyết phục; có đại biểu còn khẳng định “Điều tra viên giỏi chứ không yếu kém” như vụ “bảy ông Chấn” ở Sóc Trăng, các điều tra viên đã xây dựng kịch bản, hướng dẫn người ta từ không có tội trở thành có tội thì không thể nói là trình độ kém được.
Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng cho biết, kiểm tra bảy vụ đình chỉ thì có đến sáu vụ vận dụng sai luật, có vụ đình chỉ mà Phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội – Trưởng đoàn giám sát phải thốt lên “áp dụng pháp luật rất khôi hài” như trường hợp hai thanh niên bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ, huyền Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; vụ bắt oan bảy thanh niên ở huyện Trần Đề trong vụ án giết người. Đoàn yêu cầu công an Sóc Trăng phải cung cấp cho kết luận điều tra, căn cứ đình chỉ và nhận định về việc đình chỉ điều tra để xác định xem việc đình chỉ điều tra có đúng luật không, bởi có nhiều trường hợp đình chỉ điều tra theo cách “né” bồi thường; thậm chí có trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có tỷ lệ thương tật 1% cũng khởi tố, rồi lấy cớ là “do tình hình thay đổi…” để đình chỉ; có bị can bị tâm thần cũng áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự để đình chỉ…Theo đánh giá của Đoàn giám sát, oan sai đối với một con người không chỉ người đó bị ảnh hưởng mà cả gia đình, cả dòng họ cũng bị mang tiếng lây; làm oan thì thản nhiên, còn bồi thường cho người bị oan thì lại quá chậm. Cũng như ở các địa phương khác, ở Sóc Trăng còn nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng “ém” không báo cáo với Đoàn giám sát như trường hợp vụ ông Phạm Văn Lé ở thị xã Vĩnh Châu. Không chỉ có các thành viên trong Đoàn giám sát mà dư luận cũng băn khoăn, cần rà soát xem báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng đã trung thực chưa?
Tình hình oan sai ở thành phố Cần Thơ cũng không khá hơn các địa phương khác, có vụ oan sai đã 19 năm vẫn không được bồi thường là vụ ông Triều bị bắt giam chỉ vì tranh chấp đất với người hàng xóm. Toà đang mở phiên xử thì phải hoãn và trả tự do cho ông Triều từ năm 1996. Sau khi có quyết định đình chỉ điều tra bị can, ông Triều làm đơn yêu cầu bồi thường oan thì Công an quận Cái Răng trả lời: theo quyết định đình chỉ điều tra thì trường hợp của ông không được bồi thường oan theo Nghị quyết 388 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ông Triều khiếu nại lên Bộ Công an thì được trả lời, trường hợp của ông thuộc diện được bồi thường theo Nghị quyết 388, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an quận Cái Răng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có công văn trả lời trường hợp của ông Triều thuộc diện được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an quận Cái Răng. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an quận Cái Răng bồi thường oan cho ông Triều. Nhưng 19 năm qua, ông Triều vẫn chưa được bồi thường. Khi bị bắt ông Triều mới 37 tuổi, đến giờ đã 56 tuổi, đơn từ khiếu nại đã thành bao. Ông Triều rất thất vọng và chán nản vì “Trung ương đã có trả lời rõ ràng mà đến giờ ở địa phương vẫn làm thinh với tôi. Đầu năm 2014, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội đã có công văn đề nghị Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết nhưng rồi cũng chẳng thấy gì”. Ông Triều vẫn cương quyết: “Tôi còn sống là còn đi khiếu nại bởi tôi muốn rõ ràng; luật pháp phải bảo vệ được lẽ phải và lẽ công bằng ở đời!”. Trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại quận Cái Răng, ông Chánh án Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ cũng khẳng định vụ ông Triều phải được bồi thường oan. Nhưng theo Công an thành phố Cần Thơ thì, Vụ pháp chế Bộ công an lại cho rằng vụ này có sự bắt giam, phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân quận Cái Răng nên trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát chứ không phải công an. Vậy là Viện kiểm sát nhân dân quận Cái Răng lại phải hỏi Viện kiểm sát nhân dân tối cao rồi mới xác định cơ quan nào bồi thường cho ông Triều. Dư luận đặt câu hỏi, sao làm oan thì dễ mà bồi thường cho người bị oan lại khó khăn đến thế? Trường hợp của ông Lê Văn Chuẩn, khiếu nại 22 năm bị oan nhưng bị cơ quan công an bác đơn khiếu nại vì ông Chuẩn được đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự nên không thuộc diện được bồi thường. Nhưng có ai kiểm tra xem việc áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự đối với ông Chuẩn đã đúng chưa, hay đó cũng chỉ là cách “né” bồi thường? Trường hợp của ông Trần Công Thành cùng ba người khác ở quận Bình Thuỷ khiếu nại 33 năm mới được xác định là oan, nhưng vẫn chưa được bồi thường mà còn phải chờ Viện kiểm sát xem xét! Ở thành phố Cần Thơ, trong 3 năm có tới 88 người bị tạm giữ hình sự nhưng sau đó chuyển xử lý hành chính; có 29 người được trả tự do vì không thực hiện hành vi phạm tội. Tình hình bắt người tràn lan như vậy rõ ràng không thể nói là bình thường được.
Ở Long An, sau 21 năm bị oan không được bồi thường, ông Phan Văn LÁ đã đệ đơn đến nhiều cơ quan nhà nước; ngày 20/01/2015 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An mới gặp ông Lá và khẳng định trường hợp của ông Lá là trường hợp được bồi thường, vụ việc đã kéo dài quá lâu nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đùn đẩy nhau, không cơ quan nào chịu đứng ra bồi thường cho ông Lá. Vụ án này báo chí đã đưa tin, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng. Cho dù Công an có lỗi để quên hồ sơ vụ án nhưng về nguyên tắc, Toà án nhân dân huyện Châu Thành là đơn vị phải đứng ra xin lỗi và bồi thường cho ông Lá. Thế nhưng cho đến nay ông Lá vẫn chưa được bồi thường.
Ngoài ra, theo báo cáo của các Đoàn luật sư ở các tỉnh đã giám sát và chưa được giám sát cũng cho thấy số vụ án oan sai không phải như báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng. Báo cáo thống kê của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã cho thấy hàng loạt vụ án có dấu hiệu oan sai. Chỉ tính từ ngày 1/10/2011 đến ngày 30/9/2014 đã có 47 vụ án có dấu hiệu oan sai, trong đó có một số vụ xét xử tới lui vẫn không tìm ra cơ sở kết tội; có vụ qua 10 lần xét xử sơ thẩm, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn không kết tội được nhưng đến nay vụ án vẫn chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng; có vụ bị cáo bị tạm giam 5 năm, qua 11 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm, nay bản án bị huỷ để điều tra lại nhưng không hiểu sao Cơ quan điều tra vẫn không chịu đình chỉ; có vụ luật sư bào chữa đã cung cấp tài liệu chứng minh việc bắt, khởi tố bị can là hoàn toàn sai, kết luận điều tra là không chính xác, cuois cùng viện kiểm sát nhân dân phải quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can; có vụ công an đã khởi tố rồi ra kết luận điều tra, viện kiểm sát cũng đã có cáo trạng truy tố nhưng sau đó vụ án đã được đình chỉ vì không đủ dấu hiệu buộc tội đối với các bị can…
Tuy mới giám sát một số địa phương nhưng nhìn chung, không có địa phương nào không có án oan. Nếu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội “tổng công kích” trên tất cả 63 tỉnh thành thì số người bị oan chắc không phải hàng chục! Điều này cho thấy tình hình oan, sai là rất đáng lo ngại.
Người dân và cử tri cả nước hoan nghênh chủ trương của Quốc hội và mong Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện triệt để Nghị quyết số 74/2014/QH13, để những người bị oan và gia đình họ không còn cảnh ngậm ngùi chịu đựng.
Qua việc giám sát về tình hình oan sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cho thấy: chất lượng điều tra của cơ quan điều tra có nhiều vấn đề phải chấn chỉnh, không chỉ là do trình độ mà đó còn là tinh thần trách nhiệm đối với quyền công dân, quyền con người. Ai cũng biết, hậu quả của việc bắt giam, truy tố, xét xử oan một con người, không chỉ gây đau thương cho một cá nhân, một gia đình mà nó còn làm giảm niềm tin vào công lý của toàn xã hội đối với chế độ.
Nếu đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc làm oan một con người thì có nhiều, trong dó có cả nguyên nhân khách quan, nhưng dư luận thì cho rằng hình như những người tiến hành tố tụng không có lòng tự trọng, khống biết hổ thẹn trước việc làm của mình, chỉ vì bệnh thành tích, sợ trách nhiệm nên oan sai vẫn xảy ra, khó chặn đứng và đẩy lùi.
Để tránh oan sai, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng có lẽ một trong những biện pháp cơ bản là phải đổi mới hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng cả về tổ chức và con người; xây dựng một đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng vừa hồng vừa chuyên, dũng cảm, chống bệnh thành tích, dám chịu trách nhiệm trước những phán quyết của mình. Bên cạnh, cần xây dựng đội ngũ luật sư trong sạch, có trình độ, có tâm, có đức, dám đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định “quyền im lặng” của bị can, bị cáo là một trong những nguyên tắc tố tụng hình sự; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi giai đoạn tố tụng. Những vụ án mà người bị khởi tố về các tội thuộc trường hợp phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” phải có luật sư cho bị can ngay từ giai đoạn điều tra, các biên bản ghi lời khai nhất thiết phải có chữ ký của luật sư thì mới được coi là có giá trị pháp lý. Thực hiện bằng được nguyên tắc “tranh tụng tại phiên toà”, coi đây là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử; nghiên cứu bỏ quy định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; cần chấm dứt ngay tình trạng “báo án, duyệt án” ở toà án các cấp trước khi xét xử’ bảo đảm cho thẩm phán và hội thẩm thật sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ngoài ra, cần phải có cơ chế minh oan và giám sát thường xuyên của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc và quần chúng nhân dân đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.
Khi đã làm oan một người thì kịp thời chủ động tổ chức xin lỗi, bồi thường thiệt hại; người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm) làm oan người vô tội cũng phải đứng ra trực tiếp xin lỗi người bị oan, đồng thời phải có trách nhiệm bồi hoàn cho Nhà nước về khoản tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Ngoài việc xem xét trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm những người tiến hành tố tụng, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào hoạt động tố tụng hoặc bao che cho việc làm trái pháp luật của cơ quan tiến hành và người tiến hành tố tụng. Nghiên cứu thành lập một cơ quan nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai, tránh tình trạng đùn đẩy, làm cho việc giải quyết kéo dài gây bức xúc cho người bị oan và xã hội. Chấm dứt tình trạng “miễn trách nhiệm hình sự” không đúng để “né” bồi thường. Cuối cùng là vai trò của báo chí trong việc chủ động, phát hiện, thông tin cho mọi người biết những vụ án có dấu hiệu oan hoặc những vụ đã được minh oan nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa kịp thời tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hai… Có như vậy thì tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự mới giảm và bị đẩy lùi.
ThS.LS Đinh Văn Quế
Văn phòng luật sư tại TPHCM
Luật sư Nguyễn Minh Long
Điện thoại: 098 3019109

Nhận xét

Bài đăng phổ biến